Tán sỏi qua da

Sỏi tiết niệu là bệnh lý hay gặp, dễ biến chứng và tỷ lệ tái phát cao. Trên thế giới có những vùng mà lượng người mắc sỏi tiết niệu lên tới 4-12% tổng dân số, còn gọi là vành đai sỏi. Việt Nam cũng là một nước nằm trong vành đai này một phần do thói quen ăn uống nhiều muối ít rau xanh, đặc điểm khí hậu nóng bức gây đổ mồ hôi nhiều…

Sỏi tiết niệu tuyệt đại đa số hình thành tại thận, sau đó theo dòng nước tiểu di chuyển tới bất cứ vị trí nào trên đường đi tạo thành sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo. Trong nhóm bệnh lý này thì sỏi thận chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 40%.

Sỏi thận hình thành âm thầm, không có dấu hiệu đặc thù nào trong quá trình kết tinh. Nhưng khi xuất hiện sẽ gây tổn thương cho hệ tiết niệu bằng cách chèn ép gây ứ tắc đường tiểu, kích thích cọ xát, nhiễm khuẩn. Triệu chứng đặc thù của sỏi thận là cơn đau vùng thắt lưng, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu hay mủ.

Sỏi thận nếu không điều trị có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm đài bể thận, thận ứ nước, ứ mủ và đặc biệt là suy thận.

Khi chức năng thận còn tốt, sỏi thận nhỏ, chưa gây biến chứng thì có thể loại bỏ bằng điều trị nội khoa. Còn đối với sỏi lớn, đặc biệt là sỏi san hô hoặc khi bệnh nhân chỉ còn một thận duy nhất thì phẫu thuật lấy sỏi là chỉ định tuyệt đối.

Trước đây với những sỏi loại này, bệnh nhân phải chịu một cuộc phẫu thuật mổ mở rất đau đớn, thời gian nằm viện kéo dài và tổn thương nhiều chức năng thận. Theo ước tính của các nhà khoa học, cứ mỗi 1cm vết rạch nhu mô thận thì sẽ mất đi 10% chức năng thận.

Tán sỏi qua da, qua đường hầm nhỏ dưới sự dẫn đường của siêu âm hoặc màn hình tăng sáng C-ARM là một bước đột phá trong phẫu thuật ngoại khoa điều trị sỏi thận thay thế mổ mở.

Ông C.V.N (sinh 1962, Bình Dương) bị đau hông lưng lâm râm hai bên đã nhiều ngày, đợt này đau tăng nhiều và sốt nên bệnh nhân đi khám tại khoa Ngoại, Bệnh viện Quốc tế Becamex. Kết quả thăm khám, xét nghiệm và chiếu chụp cho thấy bệnh nhân có sỏi tại cực dưới thận phải đường kính 7mm, sỏi bể thận phải kích thước 20x30mm, sỏi khúc nối bể thận niệu quản trái 18mm, đài bể thận ứ nước độ II có nhiễm khuẩn niệu kèm theo. Sau khi điều trị hết nhiễm khuẩn bệnh nhân được chỉ định tán sỏi qua da đường hầm nhỏ bên hông lưng phải.

 

Hình 1. Sỏi bể thận niệu quản trái 18mm (hình trên), sỏi bể thận phải 20x30mm (hình dưới)

Bệnh nhân N được gây mê nội khí quản, đặt thông niệu quản tới vị trí sỏi, sau đó dưới hướng dẫn của siêu âm định vị qua một vết mổ nhỏ (<18mm) bác sĩ dùng một dụng cụ đặc biệt tạo đường hầm vào thận đài dưới, đưa ống nội soi vào tiếp cận sỏi, phá vỡ sỏi bằng laser và lấy sỏi ra ngoài thông qua đường hầm.

Nội soi tán sỏi qua da được đưa vào điều trị sỏi thận với rất nhiều ưu điểm, tỉ lệ thành công cao thời gian nằm viện ngắn (3-4 ngày), vết mổ nhỏ nên ít đau, ít nhiễm trùng giúp bệnh nhân sớm trở lại cuộc sống thường ngày hơn.

Hình 2. Vết mổ rất nhỏ ở hông lưng bên phải sau tán sỏi qua da

Hình 3. Vết mổ <1cm ở hông lưng bên phải sau tán sỏi 48 giờ

Bệnh viện Becamex không đi ngoài xu hướng can thiệp ngoại khoa tối thiểu của thế giới, luôn luôn cập nhập những phương pháp điều trị mới với nhiều ưu điểm vượt trội mong muốn mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Bài viết liên quan