Sàng lọc ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện Quốc tế Becamex

Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư thường gặp ở nữ giới. Chủ động thực hiện xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung là cách hiệu quả nhất để phát hiện tổn thương tiền ung thư và ngăn chặn các tổn thương này tiến triển thành ung thư.

Vị trí hình thành ung thư cổ tử cung

Cổ tử cung là phần thấp của tử cung, nối liền thân tử cung với âm đạo.

Có hai loại tế bào lót trên bề mặt cổ tử cung ở những vị trí khác nhau.

  • Tế bào tuyến: dạng hình trụ, lót ở cổ tử cung phần hướng vào thân tử cung.
  • Tế bào vảy: mỏng và phẳng, lót ở cổ tử cung phần hướng ra âm đạo.

Cả hai loại đều có thể trở thành tế bào ung thư và vùng chuyển tiếp giữa hai loại tế bào là nơi ung thư dễ xảy ra nhất.

tầm soát sàng lọc ung thư cổ tử cung bình dương

Hình 1. Vị trí hình thành ung thư ở cổ tử cung

Human papillomavirus (HPV) là nhân tố chính gây các biến đổi bất thường tiền ung thư và ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào ở cổ tử cung bị biến đổi bất thường mà HPV là nguyên nhân chính.

HPV là vi-rút lây truyền qua đường tình dục. Có hơn 100 chủng HPV khác nhau nhưng chỉ một vài chủng gây ra các bệnh lý trên người:

  • Chủng HPV 16 và HPV 18 là chủng nguy cơ cao, gây ra 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung.
  • Các chủng HPV 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59 và 68 có thể gây nên ung thư cổ tử cung nhưng ít gặp hơn.
  • Các chủng HPV 6, 11 là chủng có nguy cơ thấp, liên quan đến khoảng 90% trường hợp mụn cóc sinh dục và sùi mào gà.

Những yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư cổ tử cung

Nhiễm HPV khá phổ biến (khoảng 10%) ở phụ nữ trong tuổi sinh sản, nhưng không phải cứ nhiễm HPV là sẽ bị ung thư cổ tử cung. Các yếu tố tác động làm cho một trường hợp nhiễm HPV có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung như:

  • Độ tuổi: tuổi càng cao, hệ thống miễn dịch của cơ thể giảm dần, giảm khả năng bảo vệ cơ thể trước HPV.
  • Nhiễm HPV chủng nguy cơ cao: HPV 16, 18
  • Nhiễm HPV 16, 18 trong một khoảng thời gian dài: sẽ mất khoảng từ 3 đến 5 năm để tế bào cổ tử cung biến đổi bất thường tiến triển thành tế bào ung thư.
  • Mắc các bệnh suy giảm hệ thống miễn dịch.

Biểu hiện khi mắc ung thư cổ tử cung

Ở giai đoạn sớm của tiền ung thư và ung thư cổ tử cung, người bệnh thường không có các triệu chứng bất thường hay dấu hiệu cảnh báo.

Ở giai đoạn muộn của ung thư cổ tử cung, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng:

  • Chảy máu âm đạo sau giao hợp, giữa các kỳ kinh hoặc sau khi mãn kinh.
  • Tiết dịch âm đạo có máu, chảy nước và có mùi hôi.
  • Đau vùng chậu hoặc đau khi giao hợp.

Các công cụ sàng lọc ung thư cổ tử cung hiện nay

Hiện nay, có hai công cụ sàng lọc ung thư cổ tử cung là PAP testHPV test.

Cả hai xét nghiệm sàng lọc trên khá giống nhau ở vị trí, kĩ thuật lấy mẫu và đều được thực hiện bởi bác sĩ sản phụ khoa. Tuy nhiên, giá trị mà hai công cụ sàng lọc này mang lại là khác nhau:

  • PAP test (PAP’s smear): tìm những tế bào bất thường ở cổ tử cung, bao gồm cả tế bào tiền ung thư và ung thư.
  • HPV test: tìm sự hiện diện của HPV trong tế bào, chủng HPV thuộc nhóm nguy cơ cao hay thấp.

PAP test (còn có tên là phết tế bào cổ tử cung – âm đạo) là xét nghiệm truyền thống từ nhiều thập kỷ. PAP test có thể bỏ sót một số trường hợp tiền ung thư do test không đủ nhạy để phát hiện.

HPV test là xét nghiệm sinh học phân tử, được triển khai khoảng 10 năm gần đây, rất nhạy (khi kết hợp soi cổ tử cung) để phát hiện các trường hợp tiền ung thư.

Năm 2021, Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo: “sử dụng HPV test như một công cụ tiêu chuẩn để sàng lọc và điều trị ung thư cổ tử cung cho dân số phụ nữ nói chung.”

Với kết quả HPV âm tính, lặp lại xét nghiệm sàng lọc sau 5 năm.

Với kết quả HPV dương tính, bác sĩ phụ khoa sẽ dùng kết quả của những lần sàng lọc trước, kết hợp với những yếu tố khác (tuổi, chủng HPV, thời gian nhiễm HPV) để tính ra mức độ nguy cơ ung thư cổ tử cung của người bệnh. Dựa trên kết quả này, Bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định can thiệp phù hợp, hạn chế việc thực hiện thêm các xét nghiệm không cần thiết hay bỏ qua cơ hội chữa trị của người bệnh.

Khuyến cáo sàng lọc ung thư cổ tử cung

Sàng lọc ung thư cổ tử cung chỉ thực hiện ở những phụ nữ đã từng có quan hệ tình dục.

Tại các bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị, xu hướng hiện nay là sử dụng HPV test kết hợp với soi cổ tử cung (khảo sát cổ tử cung dưới kính phóng đại) để phát hiện các tổn thương tiền ung thư.

Phụ nữ từ 25 đến 65 tuổi nên thực hiện xét nghiệm HPV định kỳ mỗi 5 năm.

Phụ nữ trên 65 tuổi với kết quả HPV âm tính trong 10 năm gần đây, và không có tiền sử tiền ung thư hay ung thư cổ tử cung trong vòng 25 năm trước, có thể ngừng sàng lọc.

Phụ nữ đã cắt tử cung toàn bộ (mà không phải do điều trị tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung) có thể ngừng sàng lọc.

Phụ nữ đã phẫu thuật cắt tử cung mà không cắt bỏ cổ tử cung vẫn cần sàng lọc ung thư.

Phụ nữ đã tiêm ngừa HPV vẫn nên xét nghiệm sàng lọc định kỳ.

Sàng lọc ung thư cổ tử cung ở Bệnh viện Quốc tế Becamex

Bệnh viện Quốc tế Becamex cung cấp dịch vụ Sàng lọc ung thư cổ tử cung được cập nhật theo các chứng cứ khoa học, phù hợp những hướng dẫn mới nhất trên thế giới. Dịch vụ sàng lọc dựa vào HPV test và soi cổ tử cung (khi cần thiết).

Phòng xét nghiệm Sinh học phân tử của bệnh viện được quản lý chất lượng nghiêm ngặt, cung cấp kết quả xét nghiệm HPV chính xác, nhanh chóng. Khách hàng có thể lưu kết quả xét nghiệm dạng file điện tử trên điện thoại riêng để xem lại.

Chương trình sàng lọc được xây dựng mang lại hiệu quả sàng lọc cao cùng mức chi phí hợp lý, với hy vọng phụ nữ ở Bình Dương và các khu vực lân cận có thể dễ dàng tiếp cận và chủ động bảo vệ sức khỏe sinh sản cho bản thân.

Để giảm thời gian chờ đợi, quí khách hàng nên đăng ký khám sàng lọc ung thư cổ tử cung tại phòng khám Phụ sản Bệnh viện Quốc tế Becamex vào giờ hành chính các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 7 qua tổng đài 1900 2676.

Những lưu ý trước khi đến khám sàng lọc ung thư cổ tử cung

  • Đến khám và sàng lọc ung thư cổ tử cung sau sạch kinh nguyệt 3 ngày.
  • Không quan hệ tình dục, không bôi kem hoặc sử dụng thuốc đặt âm đạo trong trước ngày khám 2-3 ngày.
  • Mặc trang phục thuận tiện cho việc khám phụ khoa.

Bài viết liên quan