Mắc xương cá/ hóc xương cá

Trưa ngày 3/8/2023, ông N.N.T (1964) vào khám chuyên khoa Tai mũi họng Bệnh viện Quốc tế Becamex vì lý do đau vùng góc hàm hai bên, nuốt đau, khó thở. Ông T. khai cách đó vài ngày ông bị mắc xương cá và có dùng tay để móc xương ra nhưng không thấy xương đâu nữa.

Bác sĩ ngay lập tức nội soi họng nhưng không thấy dị vật, phát hiện thấy nắp thanh thiệt bị viêm phù nề cấp gây khó thở. Kết quả CT-scan đầu cho thấy hình ảnh dị vật dài, mảnh nằm ẩn vào trong amidan (phải) gây nên biến chứng áp xe hạ họng. Ông T được chỉ định phẫu thuật cấp cứu dẫn lưu áp xe và cắt amidan lấy dị vật, tránh nguy cơ nhiễm trùng huyết, khó thở thanh quản gây nguy hiểm đến tính mạng.

gắp dị vật hóc xương cá

Hình 1. Khối áp xe trên phim CT-scan (trái) và amidan phải bị cắt để lấy mảnh xương cá (phải)

Hóc xương cá là một trong số các nguyên nhân phổ biến khiến người bệnh tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng. Tuy nhiên, trước khi đến viện, người bệnh có thể đã lên internet tìm và áp dụng theo các mẹo chữa hóc xương cá tại nhà. Điều này làm tăng khả năng mất dấu xương cá, khiến cho việc tìm và lấy xương ra trở nên khó khăn hơn hoặc nguy cơ đưa người bệnh từ tình trạng hóc xương cá đường họng sang biến chứng thủng dạ dày – ruột hay một số biến chứng đường tiêu hóa khác.

Bài viết này đưa ra những hướng dẫn mang tính khoa học và các khuyến cáo dựa trên chứng cứ nghiên cứu y khoa nhằm hướng dẫn người dân thực hiện phòng và điều trị hóc xương cá một cách an toàn nhất.

1. Khi bị mắc xương cá vùng họng, có nên cố gắng nuốt xuống không?

Không nên.

Chúng ta có thể dễ dàng nghe truyền miệng hoặc đọc thấy các bài viết về mẹo chữa xương cá tại nhà trên internet như nuốt mà không nhai một miếng to cơm trắng, chuối hay bánh mỳ,… Cố gắng nuốt xương cá có thể đẩy mảnh xương cá từ vị trí họng xuống vị trí sâu hơn của đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, ruột), làm tăng nguy cơ biến chứng: thủng đường tiêu hóa, mưng mủ, áp xe cổ, ngực, bụng, nhiễm trùng huyết, thậm chí có thể tử vong. Biến chứng này phổ biến với các xương có kích thước lớn, đầu nhọn, nguy cơ dễ mắc kẹt tại đường tiêu hóa và là một trong các nguyên nhân gây dị vật đường tiêu hóa biến chứng cần phải phẫu thuật cấp cứu tại Việt Nam cũng như các nước Châu Á.

2. Có nên khạc nhổ hoặc dùng tay móc hóc, tìm xương cá không?

Không nên.

Trường hợp mắc xương cá vùng họng thường sẽ là xương cá kẹt hoặc cắm vào các tổ chức trong họng. Dùng tay móc, tìm xương sẽ vô tình đẩy nó xuống sâu hơn hay cắm sâu vào các tổ chức amidan, đáy lưỡi, thành bên họng… gây khó khăn khi tiến hành nội soi gắp xương. Trường hợp xương cá bị cắm sâu không thể nhìn thấy qua nội soi có thể cần chụp Xquang hoặc CT-scan để xác định vị trí, sau đó tiến hành phẫu thuật lấy xương tránh biến chứng, gây mất thêm thời gian và chi phí cho người bệnh.

3. Có nên ngậm chanh, ngậm vitamin C, thực hiện Heimlich không?

Không nên.

Ngậm chanh, ngậm vitamin C, soda… không có cơ sở khoa học, việc thực hiện thường không có tác dụng với người bệnh mắc xương cá.

Nghiệm pháp Heimlich chỉ thực hiện trong trường hợp dị vật gây tắc nghẽn đường thở, người bệnh khó thở. Dị vật xương là dị vật sắc nhọn, không gây tắc nghẽn đường thở nên không khuyến khích thực hiện nghiệm pháp này.

4. Vậy khi hóc xương cá nên làm gì?

  • Ngưng ngay việc ăn uống, không cố gắng nuốt xuống.
  • Nhổ toàn bộ thức ăn trong miệng (có thể giúp đưa xương cá ra ngoài nếu xương chưa bị kẹt).
  • Súc họng bằng nước sạch nhẹ nhàng từ 4 – 5 lần.
  • Nếu bạn có cảm thấy đau bên trong họng, cảm giác đau như châm chích, cần tới các cơ sở y tế có chuyên khoa Tai mũi họng để được khám và nội soi tìm xương.

5. Bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng sẽ làm gì để lấy xương?

Trước tiên bác sĩ sẽ sử dụng đèn Clar quan sát vùng họng để tìm xương. Nếu không nhìn thấy xương, cần phải thăm dò bằng phương pháp nội soi để quan sát các cấu trúc sâu bên dưới họng để tìm xương. Đa phần các trường hợp xương mắc kẹt tại họng có thể lấy ra được bằng phương pháp nội soi, thủ thuật thực hiện nhanh và về trong ngày, không cần can thiệp gây mê.

gắp dị vật hóc xương cá

Hình 2. Tìm và gắp xương cá mắc kẹt bằng kĩ thuật nội soi ống cứng Karl Storz – Endoskope Image HD

6. Yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc xương cá và cách phòng ngừa?

Theo một nghiên cứu khoa học của tác giả Arulanandam đăng trên Pubmed (Thư viện y khoa Quốc gia Hoa Kỳ) được thực hiện trên 112 người bệnh bị hóc xương cá tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tan Tock Seng Singapore (2009-2010), ghi nhận được các yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc xương cá như:

  • Thói quen đưa hết miếng cá bao gồm cả xương cá vào miệng, sau đó sử dụng miệng, lưỡi, môi, khẩu cái để lọc/lừa xương cá ra ngoài.
  • Đeo răng giả làm giảm sự cảm nhận xương cá trong miệng.
  • Nhóm người ăn cá bằng đũa hoặc nĩa có tỷ lệ mắc xương cao hơn nhóm người ăn cá bằng tay. Điều này được giải thích rằng việc ăn cá bằng tay giúp cảm nhận có xương trong miếng cá tốt hơn.
  • Thói quen ăn nhanh, nói cười trong khi ăn,…có thể tăng nguy cơ mắc xương cá.

Vì vậy để phòng ngừa mắc xương cá, nên:

  • Nên có thái độ cẩn thận, chú ý khi ăn cá, đặc biệt với trẻ em, người cao tuổi.
  • Khuyến khích lọc/ lừa xương cá bằng tay trước khi đưa thức ăn vào miệng, nhất là với những loại cá có nhiều xương, xương chữ y,…
  • Ăn chậm rãi, nhai kỹ.
  • Không đùa giỡn, cười nói khi đang ăn.

Tại phòng khám Tai mũi họng Bệnh viện Quốc tế Becamex, chúng tôi sử dụng công nghệ nội soi ống cứng Karl Storz – Endoskope Image HD đem lại chất lượng hình ảnh với độ phân giải Full HD, hình ảnh sắc nét, giúp tránh bỏ sót xương cá dù rất nhỏ. Bên cạnh đó, các dụng cụ nội soi được khử khuẩn theo quy trình nghiêm ngặt, quý khách hoàn toàn yên tâm khi đến khám và điều trị tại đây.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Phùng Quang Duy, chuyên khoa Tai mũi họng Bệnh viện Quốc tế Becamex.

Xem lịch khám bệnh tại đây.

Bài viết liên quan