Gãy xương đòn ở trẻ sơ sinh

Gãy xương đòn ở trẻ sơ sinh là một biến chứng xảy ra khi sinh em bé, và làm cho gia đình của trẻ khá lo lắng. Loại gãy này sẽ tự lành sau khoảng 2 tuần, hầu như không có di chứng.

Một số tác giả tổng kết số liệu cho thấy tỉ lệ gãy xương đòn sơ sinh chiếm 0,2% đến 3,5% tổng số ca sinh [1], và chiếm khoảng 0,05% ca sinh mổ [2]. Tác giả Ahn ES [3] quan sát trong 10 năm tại Nhật Bản, cho biết gãy xương đòn chiếm 0,41% trên tổng các ca sinh sống, và liệt đám rối cánh tay chiếm 1,6% trên tổng các ca gãy xương đòn sơ sinh.

Gãy xương đòn ở sơ sinh thường gặp trong các cuộc sinh khó, là một biến chứng không thể ngừa trước được. Các trẻ sơ sinh dễ bị gãy xương đòn khi:

– Cân nặng lúc sinh ≥4000 gam

– Sinh vai khó khi sinh ngã âm đạo

– Đường âm đạo hẹp so với kích thước bé

– Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ khi sinh

Nên nghi ngờ gãy xương đòn nếu trẻ có một trong các yếu tố nguy cơ kể trên, hoặc khi trẻ có một vài triệu chứng như:

– Quấy khóc nhiều khi vận động tay bên xương gãy

– Vai bên xương gãy có thể thấp hơn bên đối diện

– Có thể vùng da xương đòn gãy có bầm hoặc sưng nhẹ (hiếm gặp)

– Trường hợp gãy xương đòn có kèm liệt đám rối thần kinh cánh tay thì trẻ sẽ không cử động tay bên tổn thương

Trong các tình huống nghi ngờ, bác sĩ khám vùng xương đòn 2 bên có thể phát hiện dấu hiệu gãy xương. Do sơ sinh không nhạy với cảm giác đau như người lớn, đa số các trường hợp gãy xương đòn ở sơ sinh được phát hiện tình cờ khi trẻ được chụp X quang ngực thẳng vì lý do khác. Điều này cũng nói lên tình trạng gãy xương đòn ở sơ sinh rất lành tính.

Đối với trẻ sơ sinh, việc điều trị nẹp vít cố định khi gãy xương đòn là không cần thiết. Xương gãy sẽ tự lành sau thời gian cố định trong 10 -14 ngày.

Nhân viên y tế tư vấn và hỗ trợ người nhà cách chăm sóc và cố định tay bên tổn thương theo các cách sau:

  1. Dùng nẹp số 8

Hình 1. Cố định xương đòn sơ sinh dùng nẹp số 8

  1. Băng cố định

– Tay bên tổn thương sẽ đặt trước ngực ôm thân trẻ

– Dùng băng thun co giãn băng cố định tránh siết chặt và đảm bảo các ngón tay bên tổn thương vẫn cử động

– Tay bên lành để cử động tự do

Hình 2. Băng cố định xương đòn

Đơn giản hơn có thể dùng kim băng cố định ống tay bên tổn thương vào vạt trước áo trẻ sao cho cánh tay trẻ giảm cử động và nằm ôm trước ngực trẻ các ngón tay vẫn cử động tự do, hoặc ba mẹ có thể giữ trẻ nằm ngữa là đã cố định xương cho trẻ

Khi chăm sóc trẻ người nhà lưu ý :

– Luôn đặt trẻ nằm ngữa khi ngủ

– Có thể đặt cuộn khăn nhỏ sau lưng bên tổn thương khi cho trẻ nằm nghiêng bên lành

– Cho trẻ mặc áo cài khuy hoặc dây kéo

– Mặc áo bên tay bị gãy trước và cởi áo bên tay lành trước

– Trường hợp có băng cố định thì nên mặc áo cho trẻ trước khi băng

– Luôn giữ da sạch và khô trước khi băng cố định

Thời gian lành xương khoảng 10 – 14 ngày. Khi xương lành chổ gãy có thể gồ lên tuy nhiên khi trẻ lớn vùng này sẽ dần về bình thường và không có bất kỳ ảnh hưởng đến vận động của trẻ sau này.

Tài liệu tham khảo

  1. Awang MS, Abdul Razak AH, Che Ahmad A, Mohd Rus R. Neonatal Clavicle Fracture: A Review of Fourteen Cases in East Coast Peninsular Malaysia. The International Medical Journal of Malaysia. 2017;16(2):79-83.
  2. Choi HA, Lee YK, Ko SY, Shin SM. Neonatal clavicle fracture in cesarean delivery: incidence and risk factors. J Matern Fetal Neonatal Med. 2017 Jul;30(14):1689-1692.
  3. Ahn ES, Jung MS, Lee YK, Ko SY, Shin SM, Hahn MH. Neonatal clavicular fracture: recent 10 year study. Pediatr Int. 2015;57(1):60-3.

BS CKII Trần Nguyễn Thị Anh Đào

Bài viết liên quan