Chương trình Lớp Chuẩn bị Làm mẹ trước sinh

Chương trình lớp học Chuẩn bị Làm mẹ trước sinh có ý nghĩa như thế nào?

Làm thế nào để sinh một đứa con được an toàn và khỏe mạnh và người mẹ sớm thích nghi với vai trò mới. Chuẩn bị làm mẹ bao gồm thời điểm mang thai thích hợp, tham gia lớp Chuẩn bị Làm mẹ trước sinh, chọn địa điểm chào đời cho bé,… điều này đòi hỏi có sự chuẩn bị của người mẹ tương lai và của các thành viên trong gia đình.

Hầu hết những bà mẹ tương lai đều chọn các bệnh viện có khoa sản hoặc các Trung tâm y tế là nơi để đặt niềm tin trong việc hỗ trợ vượt cạn cho mình. Các bà mẹ sẽ có điều kiện tham gia lớp Làm mẹ trước sinh, một sự chuẩn bị tích cực cho quá trình mang thai, sinh nở và chăm sóc bé sau khi chào đời. Ngoài ra, thai phụ sẽ tiếp cận chương trình sàng lọc, chẩn đoán trước sinh giúp phát hiện sớm thai kỳ nguy cơ cao nhằm dự phòng và giảm tỷ lệ biến chứng trước, trong và sau sinh.

Các nữ hộ sinh và bác sĩ sẽ tiếp tục tư vấn và hướng dẫn chăm sóc cho Mẹ và Bé sau khi về nhà và sẵn lòng tư vấn các vấn đề sức khỏe nếu cần.

Chương trình học cụ thể ra sao và bao gồm những nội dung gì?

Nội dung lớp học bao gồm các thông tin giúp bà mẹ hiểu biết thêm về quá trình mang thai và sinh con, các bài tập thể dục khi mang thai giúp xương chậu giãn nở; các kỹ năng đối phó với cuộc chuyển dạ, hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn cách hít thở giảm đau khi sinh. Hướng dẫn cho con bú mẹ và chăm sóc bé trong năm đầu tiên; các bài thể dục hữu ích giúp hồi phục sức khỏe sau sinh và tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi tích cực để nuôi dạy con cái sau này.

Tuần 1

  • Giới thiệu hiện tượng thụ tinh, những thay đổi thể chất và cảm xúc trong thai kỳ, quá trình hình thành và phát triển của thai nhi trong tử cung.
  • Dinh dưỡng trong thai kỳ.
  • Vệ sinh thai nghén, các bài thể dục, và cách tự chăm sóc khi mang thai.
  • Giới thiệu về kỹ thuật thở và thư giãn.

Tuần 2

  • Các dấu hiệu của chuyển dạ.
  • Các giai đoạn của chuyển dạ và hiện tượng chuyển dạ.
  • Các kỹ thuật hỗ trợ sinh nở; thực hành hít thở giảm đau và kỹ thuật thư giãn.

Tuần 3

Chuẩn bị khi đi sinh, tham quan khu sinh của bệnh viện.

Tuần 4

Đặc điểm của trẻ sơ sinh đủ tháng, Chăm sóc trẻ sơ sinh, hướng dẫn tắm bé, chăm sóc rốn.

Tuần 5

Hướng dẫn cho con bú mẹ, giải quyết những vấn đề về vú.

Tuần 6

  • Hướng dẫn sử dụng các biện pháp ngừa thai.
  • Các bài tập thể dục sau sinh.

Trong quá trình mang thai và sinh con, cơ thể của người mẹ có những thay đổi và cần phải thích ứng như thế nào?

Trong tuần đầu tiên của lớp Chuẩn bị Làm mẹ trước sinh, người mẹ sẽ được cung cấp kiến thức về quá trình thụ tinh, quá trình hình thành và phát triển của thai nhi trong tử cung. Ngay khi có thai, cơ thể của người mẹ tương lai bắt đầu thay đổi để có thể chịu đựng sức nặng của bản thân và của thai nhi trong bụng. Tất cả các cơ quan trong cơ thể phải làm việc nhiều hơn. Tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu tới khắp nơi trong cơ thể, nhất là tới tử cung, nhau thai, và thai. Bên cạnh các nhu cầu về thể lực, việc mang thai cũng gây ra một loạt các phản ứng về cảm xúc. Có ba giai đoạn trọng quá trình mang thai: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa, 3 tháng cuối (hay còn gọi là tam cá nguyệt thứ nhất, tam cá nguyệt thứ hai và tam cá nguyệt thứ ba), cơ thể người mẹ và thai nhi cũng trải qua ba giai đoạn thay đổi và phát triển khác nhau. Các thay đổi này nhằm để đảm bảo cho thai phát triển tốt nhưng đôi khi gây cảm giác khó chịu khi mang thai.

  • Trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ, người mẹ cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, táo bón, hay đi tiểu, thèm ăn một số thức ăn, thay đổi kích thước vú, chóng mặt, đầy bụng, và thay đổi cảm xúc.
  • Ở ba tháng giữa, người mẹ cảm thấy khỏe hơn, ăn uống ngon miệng hơn, não bộ thai nhi phát triển, hệ thần kinh và bộ xương thai nhi phát triển.
  • Vào 3 tháng cuối thai kỳ, tử cung xuất hiện các cơn gò sinh lý, không đau, có thể có tiết sữa non…người mẹ sẽ cần phải chuẩn bị đầy đủ cho cuộc sinh sắp tới.

Nội dung khóa học sẽ giúp các bà mẹ hiểu rõ nguyên nhân gây ra các vấn đề trên, qua đó hướng dẫn cách thích ứng với những thay đổi. Hướng dẫn chế độ ăn phù hợp với từng giai đoạn tuổi thai, giúp mẹ khỏe mạnh và thai nhi phát triển tốt.

Các ông Bố có thể tham gia Lớp Chuẩn bị Làm mẹ trước sinh

Hình 1. Các ông Bố có thể tham gia Lớp Chuẩn bị Làm mẹ trước sinh

Vệ sinh thai nghén như thế nào?

Để có sức khỏe tốt cho bà mẹ tương lai và đứa con thân yêu của mình, cần phải cân bằng các việc

  • Sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi,
  • Ăn uống đủ chất,
  • Kiên trì tập thể dục, đảm bảo các tư thế và động tác đúng và phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Khi mang thai, tùy theo tuổi thai và tình trạng sức khỏe của mỗi người mà có chế độ làm việc phù hợp. Hoạt động trong thai kỳ cần nhẹ nhàng, tránh làm việc quá sức, nhất là vào những tháng cuối để đề phòng việc sinh non có thể xảy ra do tử cung bị kích thích tạo ra cơn co.

Việc tập luyện khi mang thai đem lại những lợi ích rõ rệt cho thai phụ và thai nhi. Các động tác thể dục nhẹ nhàng, vừa sức rất cần vì giúp cho tinh thần sảng khoái, tuần hoàn máu được lưu thông, giúp xương chậu giãn nở, giảm đau lưng.

Khi thai nhi ngày càng lớn, bụng sẽ có xu hướng nhô về phía trước, do vậy, vị trí trọng tâm thay đổi. Ngoài ra, do hiện tượng giãn sinh lý của các dây chằng trong xương chậu, các đốt sống thắt lưng dễ bị nghiêng về phía trước, áp lực lên cơ bụng tăng lên khiến thai phụ dễ bị mệt mỏi và đau lưng. Thao tác, tư thế, vận động hợp lý sẽ giúp giảm căng thẳng cơ bắp.

Vận động, thể dục trong thai kỳ như thế nào để mẹ và thai nhi khỏe mạnh?

Để tránh những nguy cơ này, trong thời gian mang thai, người mẹ nên thực hiện và duy trì những tư thế đúng trong sinh hoạt. Tư thế đứng đúng để không bị mỏi; ví dụ nên đứng thẳng hai chân, hai bàn chân hơi mở, để trọng tâm rơi vào gần tâm bàn chân. Không nên đứng quá lâu. Nếu phải đứng quá lâu thì cách vài phút phải đổi tư thế trước, sau của hai chân, để trọng tâm rơi vào cẳng chân trước, chân trước thẳng để có thể giảm mức độ mệt mỏi. Tương tự, hướng dẫn tư thế ngồi ghế đúng, tư thế nghỉ ngơi và thả lỏng, tư thế lên xuống cầu thang…các thao tác hợp lý của cơ thể khi cần cúi xuống, nâng nhấc vật nặng…

Ngoài ra các bài tập thể dục nhẹ nhàng sẽ giúp tăng tính dẻo dai của các cơ, giảm phù chân, giảm đau lưng khi mang thai.

Vấn đề thai giáo?

Một chế độ dinh dưỡng phù hợp, môi trường sống và làm việc ít áp lực hoặc biết cách giải quyết những căng thẳng tốt, giữ cân bằng cuộc sống sẽ thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ. Dựa vào những thời điểm cụ thể trong thai kỳ để áp dụng các biện pháp thai giáo, ví dụ từ tuần thứ 17 – 20, hệ thần kinh của thai nhi phát triển, các tế bào thần kinh phát triển và hình thành các kết nối phức tạp hơn. Từ tuần 18 cơ quan thính giác phát triển nhanh, thai nhi có thể cảm nhận được âm thanh bên ngoài từ bên trong bụng mẹ từ thời điểm này. Những lời thì thầm đầy sự yêu thương của cha mẹ có thể khiến bé cảm nhận được. Sang tuần 21, thai nhi đã cảm nhận được những âm thanh từ bên ngoài bụng mẹ. Bé có thể nghe được giọng nói và âm thanh trong thế giới xung quanh. Theo nhiều kết quả nghiên cứu, âm nhạc được ứng dụng trong các chương trình thai giáo nhằm kích thích sự phát triển của não bộ từ thời điểm này. Từ tuần 26, là thời điểm tuyệt vời cho các bà mẹ khi muốn nói chuyện với đứa con trong bụng, em bé có thể nghe được tiếng của mẹ và bé hoàn toàn có thể cảm nhận được sự quan tâm cũng như tình yêu thương mà cha mẹ dành cho bé. Một điểm khá thú vị là khi thai nhi bước qua tuần 27, nếu mẹ có thói quen đọc sách; một thói quen tốt trong việc rèn luyện khả năng tập trung và bình tĩnh, hãy chuyển những khả năng tuyệt vời này cho đứa con thân yêu khi hãy còn trong bụng mẹ.

Làm sao nhận biết các dấu hiệu của chuyển dạ?

Thai đủ tháng khi tuổi thai từ 39 – 40 tuần. Trong thời gian này ngoài việc theo dõi cử động thai (thai máy, đạp); bạn cần theo dõi thêm các dấu hiệu sau đây để biết khi nào bắt đầu có chuyển dạ (có dấu sinh).

Dấu hiệu báo chuyển dạ

Khi thấy từ âm đạo chảy ra một chất dịch nhầy, màu đỏ giống máu cá, đó là dấu hiệu báo chuyển dạ. Tuy nhiên hãy bình tĩnh cần phải theo dõi thêm một số dấu hiệu kèm theo để biết đến lúc chuyển dạ thật sự.

Dấu hiệu chuyển dạ thật sự

  • Ra chất dịch nhày, màu đỏ từ âm đạo.
  • Đau bụng từng cơn, cảm giác bụng co cứng trong mỗi cơn đau, hết đau bụng lại mềm như cũ.
  • Nếu trong 10 phút thấy xuất hiện 2 lần co cứng và đau như vậy, nên đến bệnh viện ngay.

Ngoài ra, nếu thấy từ trong âm đạo có nhiều nước chảy ra như đi tiểu, nước có mùi tanh, chảy tự nhiên không theo ý muốn, đó là dấu hiệu vỡ túi ối. Nên ghi nhớ giờ vỡ ối và đến bệnh viện ngay dù lúc đó không hề đau bụng và cũng chưa thấy ra chất nhày màu đỏ. Đừng quên đặt một miếng băng vệ sinh để theo dõi số lượng và màu sắc của nước ối vì điều này rất quan trọng đối với em bé của mình.

Làm sao kiểm soát cơn đau trong chuyển dạ?

Vào tuần thứ hai của khóa học, mẹ sẽ được hướng dẫn cách nhận biết các dấu hiệu chuyển dạ, phân biệt giữa chuyển dạ thật và chuyển dạ giả để sắp xếp thời gian đến bệnh viện phù hợp nhất.

Khi bắt đầu chuyển dạ, sự xuất hiện của các cơn co tử cung đau ngày càng nhiều khiến các bà mẹ trở nên lo lắng, và căng thẳng, sự căng thẳng của cơ thể khi chuyển dạ là một đáp ứng tự nhiên đối với cơn co tử cung. Tuy nhiên căng thẳng quá mức có thể làm bà mẹ kiệt sức, thiếu hụt dưỡng khí (oxy), tăng cảm giác đau và có thể làm cuộc chuyển dạ kéo dài.

Nếu biết cách thư giãn cuộc chuyển dạ sẽ có thể được rút ngắn, bảo tồn sức lực và cơn đau sẽ được kiểm soát tốt.

Mẹ sẽ được hướng dẫn hít thở kiểm soát cơn đau. Hít thở hiệu quả sẽ giúp bình tĩnh hơn và thai nhi nhận được nhiều oxy hơn, hành trình vượt cạn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Chăm sóc bản thân sau sinh, chăm sóc bé và nuôi con bằng sữa mẹ như thế nào?

Lớp học sẽ cung cấp cho bà mẹ tương lai nhiều thông tin về nuôi con bằng sữa mẹ, hướng dẫn cách cho bú, cách duy trì nguồn sữa và cách xử lý những vấn đề thường gặp khi nuôi con bằng sữa mẹ. Bà mẹ sẽ cảm thấy tự tin hơn khi tự tay chăm sóc bé mỗi ngày và những kiến thức về nuôi dưỡng, chăm sóc bé trong năm đầu tiên sẽ giúp mẹ giảm cảm giác lo lắng khi gặp bất cứ thay đổi nào của bé.

Chuẩn bị gì khi đi sinh?

Hiện nay, việc dự đoán ngày sinh khá chính xác. Đôi khi thai phụ có thể sinh sớm hơn hoặc muộn hơn ngày dự sinh một tuần, đặc biệt đối với những người sinh con đầu lòng.

Hãy chuẩn bị ít nhất 3 tuần trước ngày dự sinh, điều này sẽ giúp ta không lúng túng khi thời điểm chuyển dạ xảy ra.

Khi sinh tại Bệnh viện Quốc tế Becamex, một số vật dụng đã được cung cấp sẵn. Do đó chỉ cần chuẩn bị túi đi sinh, bao gồm những vật dụng đơn giản, gọn, tiện lợi, gồm có:

Vật dụng cho mẹ:

  • Quần áo rộng rãi để mặc khi về nhà, nên chọn loại vải cotton mát.
  • Vài chiếc quần lót (có thể sử dụng quần lót giấy).
  • Một vài chiếc áo nịt ngực dành cho phụ nữ cho con bú.
  • Vài cái khăn lông lớn.
  • Vài cái khăn lông nhỏ, vớ mang trong nhà.
  • Khăn giấy ướt.
  • Một chiếc lược, kẹp tóc, bàn chải, kem đánh răng.
  • Bình thủy, ly, muỗng

Vật dụng cho bé:

  • Áo mặc cho bé; nên chọn loại thun cotton dễ thấm hút, kiểu may không phải kéo mạnh qua đầu bé.
  • Vớ, bao tay, mũ

Các giấy tờ cần thiết như:

  • Phiếu khám thai, phiếu siêu âm, phiếu xét nghiệm…dù mẹ đi khám thai bất cứ trung tâm y tế nào.
  • Thẻ bảo hiểm y tế, nếu có.
  • Chứng minh nhân dân.

Nói tóm lại, mang thai và sinh nở là một quá trình sinh lý bình thường của người phụ nữ và nhiệm vụ của nữ hộ sinh và bác sĩ là giúp các thai phụ hiểu được quá trình này diễn ra như thế nào và làm thế nào để thích nghi. Ngoài ra, tham gia lớp Chuẩn bị Làm mẹ trước sinh sẽ giúp thai phụ có thêm kiến thức, thêm tự tin về chăm sóc cho bản thân và đứa con thân yêu của mình.

Học viên tham gia thực hành tắm bé và chăm sóc rốn Hình 2. Học viên tham gia thực hành tắm bé và chăm sóc rốn

 

Bài viết liên quan