Cho bé ăn dặm đúng cách

  1. Quan niệm

Từ xưa đến nay, ăn dặm luôn luôn là một vấn đề nhiêu khê và rắc rối với các bà mẹ bỉm sữa. Có quá nhiều quan niệm, phương pháp, lời khuyên để các bà mẹ tham khảo và thực hiện.

Có bà mẹ khi nấu ăn cho bé chạy theo rất nhiều tiêu chí, có bà mẹ lại không theo khuôn mẫu gì. Có mẹ lại quan niệm nếu có nước hầm xương thì tốt, không thì thôi, chủ yếu là phải ngon, độ đậm đặc phù hợp với tuổi của bé. Thời gian cho ăn cũng rất khác nhau, người thì không cho con ăn sau 8 giờ tối vì sợ khó tiêu, người thì nhất định phải cho con ăn trước khi đi ngủ để em bé no bụng ngủ cho ngon.

Khẩu vị của mỗi bé rất khác nhau nên không có một công thức rập khuôn nào cho việc làm quen với thực phẩm phù hợp với tất cả các bé. Tuy nhiên, việc cho trẻ ăn đúng cách theo khuyến cáo là rất quan trọng vì ăn dặm sẽ ảnh hưởng đến quá trình nuôi dưỡng bé sau này, giúp phát huy tối ưu thể lực, trí lực của bé.

Một quan niệm sai lầm nữa là các mẹ nghĩ rằng ăn dặm sẽ nhiều chất hơn uống sữa, nhưng trong 6 tháng đầu đời, trẻ sơ sinh chỉ hấp thu được thức ăn lỏng là sữa mẹ. Qua 6 tháng nhu cầu dinh dưỡng của bé tăng lên nên đây là thời điểm thích hợp để cho bé ăn dặm. Dưới 6 tháng tuổi hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn chỉnh (ví dụ men amila tiêu hóa tinh bột trong dạ dày bé chưa có) dẫn đến việc em bé ăn gì vào là đi ngoài ra cái đó. Hơn nữa, lúc đó bé còn quá nhỏ, các mẹ thường pha bột nấu cháo rất loãng, không đủ dinh dưỡng để cung cấp cho bé.

  1. Nguyên tắc chung
  • Đúng thời điểm (6 tháng tuổi)
  • Ăn từ loãng đến sệt, đặc dần
  • Từ ít đến nhiều
  • Ăn đủ 4 nhóm thực phẩm: bột đường, đạm, vitamin – xơ, chất béo.
  • Làm quen từng nhóm, bắt đầu từ nhóm bột đường. Từ 1 nhóm rồi tăng lên 2 nhóm rồi 3, 4 nhóm.
  1. Lưu ý
  • Chọn lựa thức ăn phù hợp
  • Giữ chất dinh dưỡng tốt nhất trong thực phẩm
  • Bày biện thức ăn ưa nhìn, thu hút em bé

Cũng có ngoại lệ nếu bé bú bình quá ít, không thích bú. Bé có thể ăn dặm sớm hơn nhưng trước khi cho bé ăn mẹ nên tìm đến sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng.

  • Không thêm muối, nước mắm vào đồ ăn dặm của bé.

Đối với trẻ em, thận rất non nớt và chưa phát triển toàn diện, trong thịt trong rau đã đủ độ mặn. Muối hay nước mắm khiến cho thận em bé phải hoạt động nhiều, cật lực, ảnh hưởng đến sự phát triển hệ tiết niệu của bé sau này.

Bé phải ăn cả xác thịt, xác rau, không nên chỉ chắt lấy nước. Chất bột đường là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho bé, đạm giúp xây dựng tế bào, giúp em bé lớn lên, phát triển. Chất xơ, vitamin và khoáng chất có trong rau và trái cây giúp bé tăng cường sức đề kháng. Chất béo như dầu ăn hòa tan vitamin giúp em bé hấp thu tốt hơn…

  1. Nguyên nhân bé không muốn ăn

Nước hầm xương không chứa chất dinh dưỡng, nếu ngày nào mẹ cũng hầm bé sẽ rất ngán, nhiều khi bé chỉ ngửi mùi cũng đã không muốn ăn và mất thời gian của mẹ, tốn kém và không cần thiết.

Nhiều khi vô tình cha mẹ tạo thói quen xấu cho bé như cứ phải chơi trò chơi mới ăn, khi không được chơi bé sẽ từ chối thức ăn. Lệ thuộc vào tivi, hoạt hình, bé ko được tập trung ăn uống, phải phân tâm.

Một số bé không có hứng thú khi ăn có thể do lượng thức ăn chưa phù hợp. Cha mẹ không nên quá lo lắng vô tình tạo thành áp lực cho bé, cũng không nên ép bé, cho bé thời gian để thích nghi.

Em bé bệnh cũng ko muốn ăn.

Ăn vặt cũng là một lý do khiến bé bỏ bữa, ăn ít. Nếu muốn các mẹ có thể cho bé ăn sau bữa ăn chính.

  1. Ăn bao nhiêu là đủ

Các mẹ nên sử dụng chén cơm bình thường, cho bé ăn từ loãng tới đặc, có thể đo lường bằng cách cứ 1 chén (bột, cháo…) thì thêm 1 muỗng đạm, 1 muỗng rau, 1 muỗng dầu ăn. Rau xanh xắt nhỏ, băm nhuyễn (rau xanh cuốn lại, xắt chỉ nhuyễn), 1 muỗng đầy vun lên. Thịt cá xắt nhỏ băm nhuyễn, tán trong nước lạnh để thịt tan ra, không vón cục và em bé sẽ ăn được cả xác thịt, cá…

Với nhiều người, một thực đơn ít mỡ là sự lựa chọn tối ưu, nhưng đối với các bé, chất béo (dầu ăn) là không thể thiếu cho sự phát triển của trẻ.

Nhiều mẹ quan niệm cho bé ăn cơm sớm cho cứng, nhưng em bé muốn ăn cơm phải đủ 20 cái răng. Mẹ có thể dựa vào số lượng răng của bé để biết nên cho bé ăn gì. Em bé không răng thì uống sữa, mọc hai răng thì ăn bột, mọc thêm răng nữa thì ăn cháo, sau đó tập cho bé ăn cơm nghiền, cơm nát rồi mới ăn cơm nguyên hạt.

Hình 1: Dinh dưỡng khuyến nghị cho bé

  1. Ăn dặm kiểu Nhật

Ăn dặm kiểu Nhật là một cách cho bé ăn dặm mới gần đây được rất nhiều bà mẹ quan tâm. Sự khác biệt của phương pháp này với các bé là em bé được cho ăn thô ngay từ khi bắt đầu ăn dặm, các mẹ phải chế biến công phu, thực phẩm được cấp đông rồi rã đông… Câu hỏi đặt ra là liệu có phù hợp với các em bé Việt Nam hay không?

Theo cô Cẩm, các mẹ có thể lựa chọn phương pháp nào phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện gia đình, chỉ cần nhớ hai từ là NO (phù hợp với tuổi của bé) và ĐỦ (4 nhóm thực phẩm).

Bây giờ các ông bố bà mẹ rất quan tâm đến em bé, đây là một niềm vui với những người làm công tác Nhi khoa. Khoa Nhi – bệnh viện Quốc tế Becamex hy vọng được đóng góp một phần sức lực cùng bé yêu của bạn khôn lớn và trưởng thành.

Bài viết liên quan