Bệnh trĩ

Bệnh trĩ thực chất là các tĩnh mạch ở cạnh hậu môn và phần dưới của trực tràng bị phình ra, là một loại của bệnh suy giãn tĩnh mạch. Khi trĩ được hình thành bên trong trực tràng thấp được gọi là trĩ nội còn hình thành dưới lớp da xung quanh hậu môn gọi là trĩ ngoại.

Trung bình cứ 10 người trưởng thành sẽ có từ 3 đến 4 người mắc bệnh trĩ. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao gấp đôi nữ giới, đa số xảy ra ở người lớn tuổi và không gặp ở trẻ em.

benh-tri-dau-hieu-trieu-chung1

Hình 1. Các loại trĩ

Nguyên nhân và triệu chứng

Nguyên nhân

Các tĩnh mạch vùng hậu môn trực tràng có xu hướng bị dãn ra khi tăng áp lực trong ổ bụng trong một khoảng thời gian dài, gây giãn các búi tĩnh mạch, hình thành nên bệnh trĩ. Những nguồn làm tăng áp lực ổ bụng có thể là:

– Ho nhiều do các bệnh lý về phổi mãn tính: viêm phế quản, giãn phế quản.

– Táo bón hay tiêu chảy kéo dài.

– Béo phì.

– Có thai.

– Mang vác vật nặng thường xuyên.

– Chơi các môn thể thao nặng như thể hình, cử tạ…

– Đứng hoặc ngồi trong một khoảng thời gian dài.

Những trường hợp có nguy cơ cao bị trĩ là: phụ nữ mang thai và người lớn tuổi.

Phân loại và triệu chứng

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trĩ phụ thuộc vào loại trĩ mà người bệnh mắc phải.

Trĩ nội

Là trĩ nằm ở đoạn trực tràng thấp, thường không thể nhìn hay sờ thấy, người bệnh cũng không cảm thấy sự khó chịu cho đến khi đi đại tiện. Dấu hiệu và triệu chứng bao gồm:

– Chảy máu trong quá trình đi đại tiện nhưng không đau: giai đoạn sớm sẽ xuất hiện một lượng nhỏ máu đỏ tươi dính trên giấy vệ sinh hay dưới bồn cầu. Sau một khoảng thời gian dài tăng áp lực thành bụng thì máu chảy thành giọt hay thành tia. Đến giai đoạn muộn, ngoài lúc đi cầu thì chỉ cần đi lại nhiều hay ngồi xổm là máu lại chảy.

– Đau và rát khi trĩ nội sa ra ngoài hậu môn.

Trĩ nội được phân thành 4 cấp độ:

– Trĩ độ 1: Búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn.

– Trĩ độ 2: Lúc bình thường búi trĩ nằm gọn trong ống hậu môn khi rặn đại tiện thì thập thò ở lỗ hậu môn, tự thụt vào khi đứng dậy.

– Trĩ độ 3: Khi đi đại tiện, làm việc nặng, đi lại nhiều, ngồi xổm thì búi trĩ sa ra ngoài, dùng tay ấn nhẹ có thể vào hoặc tự thụt vào khi nghỉ ngơi.

– Trĩ độ 4: Búi trĩ to, thường xuyên nằm ngoài ống hậu môn, thường liên kết với nhau tạo thành trĩ vòng.

benh-tri-dau-hieu-trieu-chung2

Hình 2. Các cấp độ của trĩ nội

Trĩ ngoại

Là trĩ nằm dưới lớp da quanh hậu môn, gây nên tình trạng:

– Ngứa và nóng rát vùng hậu môn.

– Khó chịu hay đau vùng hậu môn.

– Sưng hậu môn.

– Chảy máu.

Trĩ ngoại huyết khối

Khi búi trĩ ngoại bị tắc mạch, máu ứ đọng hình thành cục máu đông cạnh hậu môn sẽ dẫn đến:

– Đau dữ dội.

– Sưng/viêm.

– Một khối cứng gần hậu môn.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ

– Khi bị chảy máu trong quá trình đi cầu hoặc búi trĩ không được cải thiện sau khi đã áp dụng thay đổi lối sống và chế độ ăn, hãy tìm đến bác sĩ để được tư vấn.

– Đừng tự cho rằng tất cả những chảy máu từ hậu môn trực tràng đều là do trĩ, đặc biệt khi bạn có một lối sống lành mạnh và đi đại tiện dễ dàng. Chảy máu hậu môn trực tràng có thể xảy ra với những bệnh lý khác như viêm loét trực tràng chảy máu, polip trực tràng, ung thư đại tràng hay ung thư hậu môn. Hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và tư vấn.

– Nhập viện cấp cứu ngay khi bạn chảy máu trực tràng lượng lớn, hoa mắt, chóng mặt, ngất.

Chẩn đoán và điều trị

Chẩn đoán

Trĩ ngoại có thể dễ dàng được chẩn đoán bằng mắt thường. Đối với trĩ nội, để chẩn đoán được bệnh bao gồm các hình thức sau:

– Thăm khám trực tiếp: Người bệnh nằm tư thế thích hợp, bác sĩ sẽ đưa một ngón tay có đeo găng được bôi trơn vào trực tràng của người bệnh để tìm ra bất thường bệnh lý.

– Chỉ định nội soi trực tràng: Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ cho chỉ định nội soi trực tràng nhằm xác định rõ vị trí và các bất thường khác đi kèm.

Bác sĩ có thể cũng sẽ chỉ định cho người bệnh nội soi toàn bộ đại-trực tràng khi:

– Có những dấu hiệu và triệu chứng gợi ý người bệnh có thể mắc bệnh lý tiêu hóa khác.

– Người bệnh nằm trong nhóm có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng.

– Người bệnh ở tuổi trung niên cần được tầm soát ung thư nhưng chưa từng nội soi đại tràng hay hơn 2 năm gần đây chưa nội soi kiểm tra lại đại tràng

Điều trị

Điều trị nội khoa tại nhà

Điều trị tại nhà áp dụng đối với đối tượng bị trĩ ngoại không biến chứng và trĩ nội mức độ nhẹ.

Người bệnh sau khi thăm khám và chẩn đoán sẽ được hướng dẫn cải thiện chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng ở mục phòng ngừa bệnh trĩ, đồng thời sử dụng thuốc theo toa để làm giảm triệu chứng.

Điều trị bằng phẫu thuật

Phẫu thuật được thực hiện đối với trĩ nội độ III, độ IV, người bệnh sau khi đã áp dụng các phương pháp điều trị tại nhà nhưng không giảm, ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt hằng ngày. Có hai phương thức phẫu thuật đang áp dụng tại Bệnh viện Quốc tế Becamex là phẫu thuật cắt trĩ kinh điển và phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp Longo.

Phẫu thuật cắt trĩ kinh điển là bác sĩ sẽ phẫu thuật loại bỏ đi những phần mô thừa gây chảy máu. Là biện pháp hiệu quả và dứt điểm nhất để điều trị bệnh trĩ mức độ nặng hoặc trĩ tái phát. Hầu hết người bệnh sẽ có cảm giác đau sau khi làm phẫu thuật. Thuốc giảm đau và ngâm hậu môn bằng nước ấm có thể làm giảm tình trạng này, giúp người bệnh dễ chịu hơn.

Phẫu thuật cắt trĩ bằng phương pháp Longo hay còn gọi là cắt trĩ bằng phương pháp khâu bấm, là phương pháp chặn dòng máu đến mô trĩ. Phẫu thuật Longo thường ít đau và cho phép người bệnh trở lại sinh hoạt hằng ngày sớm. Tuy nhiên mỗi phương thức phẫu thuật đều có những ưu-nhược điểm mà bác sĩ phẫu thuật sẽ giải thích và tư vấn để lựa chọn phương pháp tốt nhất cho từng người bệnh.

benh-tri-dau-hieu-trieu-chung3

Hình 3. Minh họa cắt trĩ bằng máy khâu bấm

Phẫu thuật lấy trĩ tắc mạch:

– Cục máu đông bị tắc tại búi trĩ ngoại gây đau đớn rất nhiều cho người bệnh, chỉ khi cắt bỏ búi trĩ người bệnh mới có thể giảm đau nhanh chóng.

– Phẫu thuật lấy trĩ ngoại tắc mạch có hiệu quả nhất nếu được thực hiện trong vòng 72 giờ sau khi đau do hình thành trĩ ngoại.

Tại Bệnh viện Quốc tế Becamex, chúng tôi không thực hiện điều trị bằng các thủ thuật như:

-Thắt búi trĩ bằng dây thun.

-Tiêm xơ hóa búi trĩ.

-Loại bỏ búi trĩ bằng liệu pháp đông lạnh, quang học, đốt điện…

Phòng ngừa bệnh trĩ

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh trĩ là giữ cho phân được mềm, dễ dàng ra khỏi cơ thể. Để phòng ngừa và làm giảm những triệu chứng của trĩ, có thể áp dụng những cách sau:

– Ăn nhiều chất xơ: trái cây, rau quả, ngũ cốc. Chất xơ giúp làm mềm phân và tăng khối lượng phân, điều này sẽ làm giảm tình trạng rặn nhiều khi đi đại tiện là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh trĩ. Tuy nhiên, bạn nên dung nạp chất xơ từng ít một chia làm nhiều lần trong ngày để tránh các vấn đề về xì hơi.

– Uống nhiều nước. Uống từ 1,5-2 lít nước hằng ngày. Không nên uống thức uống chứa cồn và cafein.

– Tránh rặn. Giữ hơi và rặn trong khi đi đại tiện sẽ làm tăng áp lực lên các búi tĩnh mạch đoạn trực tràng thấp.

– Đi đại tiện ngay khi cần “giải quyết”. Nếu bạn trì hoãn, cơn đau bụng đi tiêu sẽ trôi qua, phân sẽ khô hơn và khó đi tiêu hơn.

– Tập thể dục. Tập thể dục giúp ngăn ngừa táo bón, giảm đi phần trọng lượng cơ thể dư thừa góp phần hình thành nên bệnh trĩ. Tuy nhiên, nên tập các bài thể dục nhẹ nhàng như dưỡng sinh, đi bộ, chạy bộ…, tránh các môn thể thao nặng như thể hình, cử tạ,…

– Tránh ngồi hoặc đứng trong một khoảng thời gian dài. Ngồi quá lâu, đặc biệt là ngồi lâu trong nhà vệ sinh có thể làm tăng áp lực lên tĩnh mạch.

– Ngâm hậu môn trong nước ấm. Có thể ngâm hậu môn trong nước ấm pha loãng muối từ 10-15 phút mỗi lần, 2-3 lần mỗi ngày. Ngâm hậu môn giúp người bệnh dễ chịu, giảm tình trạng ngứa, sưng đau hậu môn. Lưu lý: ngâm trong bồn tắm hoặc một chiếc thau to, ngồi hẵn mông xuống ngâm, không được ngồi xổm.

Sau khi đã áp dụng các biện pháp cải thiện chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng như đã nêu mà bệnh vẫn không thuyên giảm, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, nên đến các cơ sở uy tín để được chẩn đoán bệnh và có được phát đồ điều trị thích hợp.

Những câu hỏi thường gặp

1. Mổ trĩ có đau không?

Trả lời: Trong lúc thực hiện phẫu thuật, người bệnh sẽ được gây tê tủy sống nên sẽ không có cảm giác đau trong suốt quá trình phẫu thuật. Sau khi mổ, người bệnh sẽ được giảm đau chủ động bằng cách kết hợp các loại thuốc giảm đau, tùy thuộc vào tình trạng của từng người.

2. Mổ trĩ bao lâu thì hồi phục và xuất viện?

Trả lời: Người bệnh sau phẫu thuật trĩ bắt buộc phải nằm tại viện theo dõi. Nếu tình trạng ổn định có thể xuất viện từ sau 3-5 ngày.

3. Mổ trĩ có bị tái phát không?

Trả lời: Cho dù lựa chọn phương pháp phẫu thuật nào cũng sẽ có tỉ lệ tái phát nhất định. Sự hồi phục và nguy cơ tái phát sau mổ trĩ phụ thuộc phần lớn vào tình trạng của từng người bệnh và việc thay đổi lối sống, thói quen ăn uống của người bệnh.

4. Trĩ hình thành trong quá trình mang thai, sau khi đã sinh xong có biến mất không?

Trả lời: Búi trĩ hình thành trong lúc mang thai là do tăng áp lực ổ bụng khi thai nhi lớn, táo bón, khó đi đại tiện do đè ép vào trực tràng, rặn nhiều khi sinh…thường có thể biến mất sau khi sinh. Tuy nhiên, ở một vài sản phụ búi trĩ không tự mất đi, cần phải đến khám bác sĩ và điều trị ngay để tránh những biến chứng xấu xảy ra.

5. Phụ nữ đang mang thai có mổ trĩ được không?

Trả lời: Trong quá trình mang thai sẽ hạn chế tối đa các can thiệp phẫu thuật trên thai phụ. Ưu tiên hàng đầu là điều trị nội khoa, trừ những trường hợp có biến chứng xấu cần cấp cứu.

Lưu ý cho người bệnh trước khi đến khám bệnh trĩ

– Để thuận tiện cho người bệnh về việc nội soi, vui lòng nhịn ăn từ 22h trước ngày đi khám, có thể uống ít nước khi khát.

Để đặt lịch khám vui lòng gọi 1900 2676 trong giờ hành chính từ thứ 2 – thứ 7. Đặt trước ít nhất 1 ngày.

Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi số: (0274) 3 681 681, nhấn phím 2.

Để biết thêm thông tin về hướng dẫn đăng kí khám bệnh, vui lòng xem chi tiết tại link: https://bih.vn/danh-cho-benh-nhan/huong-dan-kham-benh/

Để biết thêm thông tin về về hưởng bảo hiểm y tế, bảo hiểm tư nhân, vui lòng xem chi tiết tại link:

https://bih.vn/danh-cho-benh-nhan/bao-hiem-y-te/

Bài viết liên quan